Hộp giấy, túi giấy, POSM... trước khi đến tay người tiêu dùng trên kệ hàng siêu thị, chúng phải trải qua những công đoạn nào tại các công ty bao bì? Hôm nay diễn đàn bao bì sẽ tóm lược những công đoạn chính trong quá trình sản xuất bao bì.
Bước 1: Công ty bao bì sẽ trao đổi ý tưởng với khách hàng
Bên cạnh những mẫu bao bì thông dụng được bày bán sẵn trên thị trường, thì phần lớn khách hàng ưa chuộng những thiết kế độc đáo, chuyên dụng cho sản phẩm mình. Đối với những mẫu bao bì hoàn toàn mới, công ty sản xuất bao bì sẽ làm việc với khách hàng để:
- Hiểu được ý tưởng của khách hàng về loại bao bì cần sản xuất? Hộp giấy, túi giấy, tem nhãn hay sản phẩm quảng cáo POSM…
- Mục đích mà khách hàng mong muốn khi sử dụng loại bao bì này là gì? Túi giấy đựng quà tặng cao cấp hay chiếc hộp carton vận chuyển hàng, tem nhãn cho sản phẩm xuất khẩu hay cần POSM để giới thiệu sản phẩm mới…
- Số lượng, thời gian khách hàng cần sản phẩm?
Khi đã hiểu được nhu cầu và mục đích, nhà sản xuất sẽ có cơ sở để tư vấn chất liệu, kích thước, nội dung, hình ảnh thể hiện, số màu in cũng như kỹ thuật sản xuất tối ưu nhất.
Nếu khách hàng đã có mẫu thiết kế thì việc trao đổi, tư vấn vẫn là điều cần thiết để thống nhất ý tưởng, tạo ra những sản phẩm bao bì tốt nhất.
Bước 2: Công ty bao bì sẽ thiết kế cấu trúc, hình ảnh sản phẩm
Trong bước này, công ty bao bì sẽ hình ảnh hóa ý tưởng và nhu cầu của khách hàng trên phần mềm thiết kế phù hợp. Bao gồm hình dạng, cấu trúc, thông tin và hình ảnh của bao bì. Thiết kế cấu trúc không chỉ thể hiện hình dạng mà còn tính toán khả năng chứa đựng, độ chịu lực khi xếp chồng lên nhau, thậm chí đo lường tính khả thi khi treo hoặc trưng bày sản phẩm trên kệ hàng.
Bước 3: In thử và làm thử mẫu bao bì
Sau khi đã có thiết kế cấu trúc và hình ảnh, công ty bao bì sẽ làm một mẫu thật theo thiết kế để kiểm tra lại hình dáng, thông tin trên sản phẩm, màu sắc, sức chứa, chịu lực của sản phẩm để điều chỉnh nếu cần. Mục đích của bước này để kiểm tra tính khả thi của bao bì, khách hàng duyệt mẫu, duyệt màu trước khi sản xuất hàng loạt.
Nhờ bản in proof (in mẫu), cả hai bên có thể hạn chế tối đa những sai sót trước khi sản xuất bao bì như:
- Nội dung thông tin, hình ảnh: Liệu có lỗi chính tả? Dùng hình ảnh đã hợp lý chưa? Nội dung có chỗ nào bất hợp lý?
- Phông chữ: Lựa chọn phông chữ đã phù hợp? Kích thước, màu sắc hay các lỗi liên quan căn chỉnh chữ viết…
- Màu sắc: Độ lệch màu ở mức nào? Dùng màu này có tốt không? Có cần thay đổi thông số màu sắc hay không?
- Ký hiệu đồ họa
- Chỉnh lề, bố cục các khối hình, chữ viết
So với in nhanh thì in proof được đánh giá vượt trội hơn hẳn vì chế độ phân giải màu của in proof tương đồng với in offset, thường bản in mẫu proof và sản phẩm thật chính xác từ 95% - 100%.
Bước 4: Dàn khuôn và chế bản các bản in bao bì
Một trong những bước quan trọng trong quá trình sản xuất bao bì là dàn khuôn. Dàn khuôn là quá trình sắp xếp bản in trên khổ giấy định in, đặt thang màu, tram màu, cấn bế an toàn để cho công đoạn gia công sau in được dễ dàng. Đặt tram màu CMYK, thang màu in ở 4 góc và 2 cạnh trên và dưới bài in để khi in thợ in nhận biết kẽm màu C, M, Y, K và dễ dàng căn chỉnh màu.
Tiếp theo, sắp xếp các bản in trên khuôn sao cho tối ưu nhất, trong công đoạn này, người thiết kế sẽ tính toán và đo lường để có sản phẩm chất lượng nhưng vẫn đảm bảo tính kinh tế. Bao gồm:
- Các bản in được sắp xếp vừa vặn khổ giấy in (hạn chế dư giấy quá nhiều)
- Sắp xếp các bản in phù hợp để quá trình gia công sau in thuận tiện và nhanh chóng nhất.
Chế bản in là quá trình tạo các hình ảnh cần in lên tấm nhôm làm bản in offset, xuất kẽm đối với CTP.
Bước 5: Công ty bao bì tiến hành in ấn sản phẩm
Công ty bao bì sẽ dùng máy in offset để in các hình ảnh của bao bì lên giấy. Có thể máy in offset 4 - 5 -6 màu tùy theo bản thiết kế. In offset làm cho các hình ảnh dính mực in được ép lên các tấm cao su (còn gọi là các tấm offset) rồi mới ép từ miếng cao su này lên bề mặt giấy. Khi sử dụng với in thạch bản, kỹ thuật này tránh được việc làm nước dính lên giấy theo mực in. In offset có nhiều ưu điểm vượt trội nên được nhiều khách hàng lựa chọn.
Các ưu điểm nổi trội của in offset bao gồm:
- Chất lượng hình ảnh cao, nét và sạch hơn in trực tiếp từ bản in lên giấy vì miếng cao su áp đều lên bề mặt cần in
- Ứng dụng in ấn lên nhiều bề mặt, kể cả bề mặt không phẳng (như gỗ, vải, da thô nhám)
- Chế tạo các bản in offset dễ dàng hơn
- Các bản in có tuổi thọ lâu hơn
Bước 6: Gia công sau in các sản phẩm bao bì
Sau khi in xong, tùy theo yêu cầu của từng sản phẩm, công ty bao bì sẽ tiến hành các bước gia công sau in như:
- Cấn, bế: Là quá trình dùng máy bế để cắt và tạo rãnh tờ in theo hình dạng thiết kế
- Dập chìm, dập nổi: Kỹ thuật để nhấn mạnh một chi tiết trên bao bì như logo, biểu tượng, phần chữ… nổi lên hoặc chìm xuống trên mặt phẳng của ấn phẩm
- Cán màng bóng, màng mờ: Là phủ lên bề mặt ấn phẩm một lớp màng Polyme. Cán màng bóng đem lại sự tươi sáng, cán màng mờ tạo sự tinh tế, sang trọng
- Ép kim: Mục đích của kỹ thuật này tương tự dập chìm, dập nổi, là nhấn mạnh một phần chi tiết trên bề mặt sản phẩm bằng nhũ vàng, nhũ bạc hay màu sắc khác
Kiểm soát điều kiện môi trường (nhiệt độ, độ ẩm, không gian...) để đảm bảo chất lượng bao bì
Ngoài ra còn có những kỹ thuật khác như dán cửa sổ, phủ UV/Vanish, gấp, dán, bồi hoặc gài các chi tiết liên kết tạo thành bao bì hoàn chỉnh.
Bước 7: Kiểm tra chất lượng bao bì và giao hàng
Sau khi sản xuất, công ty bao bì sẽ tiến hành loại bỏ các sản phẩm bao bì chưa đạt chất lượng như nhăn giấy, dập sóng, trầy xước bề mặt in ấn, rách giấy, bung keo... Việc kiểm tra dựa trên những quy chuẩn chất lượng nhất định. Bước này đảm bảo các sản phẩm bao bì khi giao đến khách hàng, có thể đạt độ chính xác cao nhất.
Thời gian giao hàng tùy vào số lượng và yêu cầu của khách hàng.
Bước 8. Lắng nghe phản hồi của khách hàng và cải thiện chất lượng
Lắng nghe ý kiến của khách hàng là một trong những bước quan trọng trên hành trình phát triển. Bước này thường là những phản hồi của khách hàng về sản phẩm bao bì, chất lượng dịch vụ, tiến độ giao hàng... giúp công ty bao bì cải thiện và mang đến trải nghiệm tốt hơn cho đối tác.
Trên đây là hướng dẫn những bước cơ bản trong quy trình sản xuất bao bì, thực tế sẽ có thêm một số công đoạn phát sinh, tùy vào từng sản phẩm bao bì.
Nguồn: khangthanh.com