Với việc đầu tư lớn cho nghiên cứu và phát triển, không lâu nữa, thị trường bao bì Việt Nam sẽ trở thành sân chơi chính của doanh nghiệp nước ngoài.
Nhựa Ngọc Nghĩa (NNIG) là một trong những doanh nghiệp tư nhân và đang dẫn đầu thị trường phôi, chai nhựa PET tại Việt Nam, chiếm thị phần tiêu thụ nội địa lớn nhất, đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân 15%/năm trong 5 năm trở lại đây. Năm 2014, doanh thu của toàn Ngọc Nghĩa đạt gần 2.000 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các sản phẩm ngành PET.
Ngọc Nghĩa không chỉ tập trung vào thị trường nội địa, mà còn đặt mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ..., với mục tiêu nhanh chóng trở thành nhà cung cấp bao bì PET lớn nhất Đông Nam Á.
Thế nhưng, đường đi của Ngọc Nghĩa không bằng phẳng. Thách thức đầu tiên là thị trường nhựa PET không còn thuận lợi như trước.
Ngọc Nghĩa chỉ là một minh chứng cho thấy, thị trường bao bì (gồm cả bao bì mềm và bao bì PET) ở Việt Nam đang có sự xáo trộn lớn. Đây là hai thị trường truyền thống của Việt Nam và đang thay đổi và chịu ảnh hưởng nhất định từ các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Bao bì mềm đón làn sóng đầu tư ngoại
Các công ty bao bì mềm nước ngoài, đặc biệt là từ các nước châu Á, đang đẩy mạnh đầu tư tại thị trường Việt Nam trong những năm gần đây.
Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên có doanh nghiệp bao bì nhựa (J.S Packaging) tham gia thị trường Việt Nam vào năm 2001. Gần nhất, một doanh nghiệp khác của Hàn Quốc là Dongwon Systems Corporation đã thực hiện hàng loạt thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) với các doanh nghiệp trong nước và chính thức tham gia thị trường vào đầu tháng 10 năm nay. Các thương vụ tiêu biểu của Dongwon Systems Corporation là đầu tư 21,86 triệu USD mua Công ty TNHH Bao bì Minh Việt, chi 38,81 triệu USD mua 47% cổ phần Công ty cổ phần Bao bì nhựa Tân Tiến.
Tuy nhiên, Hàn Quốc không phải là quốc gia duy nhất đang tìm kiếm cơ hội tại thị trường bao bì mềm Việt Nam. Trong năm 2015, SCG (Thái Lan) chi 44,4 triệu USD mua Công ty cổ phần Bao bì Tín Thành. Trước đó, MeiwaPax Group chi 15,38 triệu USD mua Công ty cổ phần Thương mại và Bao bì Sài Gòn (Saigon Trapaco); Oji Holding Corporation (Nhật Bản) mua Công ty TNHH Bao Bì United; Sagasiki Vietnam mua Công ty cổ phần In và Bao bì Goldsun…
Thị trường bao bì mềm Việt Nam được phân thành hai phân khúc là bao bì mềm màng đơn và bao bì mềm phức hợp. Theo phân tích của StoxPlus, quy mô thị trường bao bì mềm phức hợp Việt Nam ước đạt 800 triệu USD vào năm 2014, tăng 10,1% so với năm 2013. Trong đó, thực phẩm đóng gói và ngành hàng tiêu dùng là các thị trường tiêu thụ chính của bao bì nhựa mềm phức hợp, chiếm gần 70% doanh thu tiềm năng của ngành năm 2014 (ước đạt 1,47 tỷ USD). Con số này có thể lớn hơn rất nhiều với tốc độ tăng trưởng hàng năm của thị trường (dự kiến tăng 5 - 16% trong vòng 5 năm tới).
Do hạn chế về mặt công nghệ, hầu hết các công ty thực phẩm đóng gói và hàng tiêu dùng có xu hướng sử dụng dịch vụ đóng gói của bên thứ ba, kéo theo tiềm năng phát triển lớn của thị trường này đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Bao bì PET: doanh nghiệp Việt đang mất dần vị thế
Mặc dù quy mô thị trường của mảng bao bì PET tại Việt Nam chỉ bằng 50% so với mảng bao bì mềm, nhưng đây mới là mảng thể hiện vị thế của doanh nghiệp trong nước. Bao bì PET có thể chia ra thành 3 phân khúc chính: phôi - chai PET, nhãn, nút - nắp.
Theo báo cáo Thị trường bao bì PET Việt Nam 2015 của StoxPlus, quy mô thị trường phôi - chai PET năm 2014 ước đạt 445 triệu USD, tăng 11,4% so với năm 2013.
Trong số 12 thị trường tiêu thụ bao bì PET được phân tích chuyên sâu tại báo cáo của StoxPlus, 5 thị trường tiêu thụ chính bao gồm: thị trường các loại trà uống liền, nước giải khát có ga, nước đóng chai, các loại dầu và chất béo, hàng tiêu dùng, với các tên tuổi lớn như Tập đoàn Number 1 (trước đó là Tập đoàn đồ uống Tân Hiệp Phát), URC, Suntory PepsiCo, Coca-Cola Vietnam, Vocarimex, Calofic, Masan Consumer.
Ngành bao bì PET được coi là ngành công nghiệp phụ trợ cho các ngành công nghiệp đồ hộp, đồng uống, ngành hàng tiêu dùng và hóa chất. Sự tăng trưởng mạnh về nhu cầu đóng gói các sản phẩm trong những ngành công nghiệp này kéo theo sự tăng trưởng mạnh của thị trường bao bì PET trong những năm gần đây.
Theo phỏng vấn chuyên sâu của StoxPlus với những chuyên gia trong ngành, sản lượng nước giải khát tại Việt Nam dự kiến tăng gấp 3 lần trong vòng 5 năm tới mở ra tiềm năng rất lớn cho các nhà sản xuất PET độc lập. Tuy nhiên, cấu trúc và cách thức tổ chức thị trường đang là thách thức lớn đối với các nhà sản xuất PET độc lập trong việc tận dụng cơ hội này. Đặc biệt, vị thế của doanh nghiệp trong nước đang bị lung lay.
Câu chuyện tại 2 doanh nghiệp tư nhân là Nhựa Ngọc Nghĩa và Bảo Vân cho thấy rõ điều này. Dựa trên nghiên cứu của StoxPlus, thị trường bao bì PET Việt Nam bị chi phối bởi top 10 doanh nghiệp đầu ngành, trong đó hai tên tuổi này đang chiếm hơn 60% thị phần trong năm 2014.
Ngọc Nghĩa và Bảo Vân là những doanh nghiệp tiên phong trong ngành bao bì PET ở Việt Nam với nhà máy được thành lập từ đầu những năm 2000. Với lịch sử phát triển lâu dài, 2 doanh nghiệp này trở thành những doanh nghiệp đầu ngành, có nhiều đối tác lớn ở các ngành công nghiệp khác nhau. Đơn cử, Ngọc Nghĩa có danh mục khách hàng lên tới gần 1.000 công ty, tập trung chủ yếu trong các ngành đồ uống và thực phẩm. Tuy nhiên, hiện tại, các khách hàng lớn của Ngọc Nghĩa như PepsiCo Việt Nam (đã bán cho Suntory), Coca-Cola Việt Nam đều đang chủ động lắp đặt hệ thống ép phôi, thổi chai của riêng họ.
Không chỉ vậy, các đối thủ trong ngành xuất hiện ngày càng nhiều và đều lớn mạnh, như Nhựa Bảo Vân, Nhựa Tân Phú, Kỹ Nghệ Đô Thành hay Bao bì Dầu thực vật.
Đáng chú ý, các tập đoàn nước ngoài cũng đã thâm nhập sâu vào thị trường nội địa và xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Tiêu biểu nhất là Tập đoàn Hon Chuan (Đài Loan) thành lập Công ty Hon Chuan Việt Nam và xây nhà máy tại Bình Dương. Hay như Tập đoàn Srithai Superware (Thái Lan) mới công bố sẽ đầu tư xây thêm nhà máy thứ 3 ở Việt Nam. Ngoài ra, còn có các nhà đầu tư Dynaplast (Indonesia) và VisyPak (Australia). Các công ty này đều là công ty con của những công ty bao bì lớn trên thế giới với danh mục khách hàng gồm nhiều tập đoàn đa quốc gia như PepsiCo hay Coca-Cola.
3 lý do chính dẫn đến sự chuyển dịch
Theo giới phân tích, có nhiều lý do để các công ty bao bì từ các nước phát triển chuyển dịch tới các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, Stoxplus cho rằng chỉ có 3 lý do chính.
Thứ nhất, giá nguyên vật liệu, năng lượng và nhân công đang tăng mạnh ở các nước phát triển. Với đặc tính có thể phù hợp vận chuyển một khoảng cách lớn, bao bì nhựa mềm có thể được sản xuất ở những quốc gia mới nổi với giá thành thấp và vận chuyển về các nước phát triển để tiêu thụ nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất.
Thứ hai, các tập đoàn ngành hàng tiêu dùng đang giải quyết những trở ngại cạnh tranh toàn cầu bằng cách thành lập các cơ sở sản xuất ở các quốc gia có chi phí thấp. Để giữ lợi thế cạnh tranh, các công ty bao bì sẽ sản xuất ở nước ngoài với các mô hình khác nhau, tùy vào đặc điểm thị trường và chiến lược của công ty.
Thứ ba, sản lượng xuất khẩu, đặc biệt với ngành dệt may và thủy sản, được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh nhờ việc tham gia một loại hiệp định thương mại tự do. Đây là cơ hội lớn cho ngành bao bì trong tương lai, mà nhiều khả năng, sân chơi sẽ thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.