Với định hướng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, phân khúc nhựa kỹ thuật phục vụ cho công nghiệp chế tạo, điện-điện tử cũng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt trong tương lai. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngành nhựa vẫn còn nhiều hạn chế, rủi ro, đặc biệt là về biến động tỷ giá.
Sức ép cạnh tranh
Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), hiện trong nước có khoảng 2.000 công ty tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh nhựa, trong đó chủ yếu là các công ty nhỏ và vừa. Số lượng công ty lớn cùng việc phân tán khiến gia tăng áp lực cạnh tranh trong ngành. Ngành nhựa là ngành phân tán nên không có công ty nào đủ khả năng chi phối các công ty còn lại.
Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào phụ thuộc khá nhiều vào biến động giá thế giới và chiếm 80% trong cơ cấu chi phí sản xuất, điều này khiến biên lợi nhuận của công ty dễ bị tác động khi có thay đổi yếu tố đầu vào. Để đảm bảo mức sinh lời, nhiệm vụ đặt ra cho các công ty nhựa là duy trì và gia tăng thị phần đầu ra, điều này tăng áp lực cạnh tranh trong ngành.
Ngoài ra, mức độ khác biệt giữa các sản phẩm nhựa trong nước không cao, khách hàng có thể dễ dàng chuyển đổi nhà cung ứng mà không phải chịu nhiều chi phí do các sản phẩm nhựa của các công ty có độ phủ rộng khắp cả nước.
VPA cho rằng, đối với các công ty nhựa vật liệu xây dựng, chi phí đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị lớn khiến các công ty nhóm này phải chạy đua về sản lượng tiêu thụ nhằm bù đắp lại phần chi phí cố định đã đầu tư.
Ngành nhựa bao bì vẫn tăng trưởng tuy nhiên gia tốc tăng trưởng đang chậm lại, số lượng công ty sản xuất bao bì lớn, điều này khiến mức độ cạnh tranh trong mảng nhựa bao bì ngày càng gia tăng.
Đặc biệt, những công ty FDI đầu tư vốn vào sản xuất nhựa ngày một nhiều, với dây chuyền máy móc hiện đại, hệ thống quản lý tốt cũng đặt ra nguy cơ mất thị phần đối với những công ty nội địa trong tương lai. Xuất khẩu các sản phẩm nhựa của Việt Nam chủ yếu đến từ những công ty FDI (chiếm 60% về giá trị xuất khẩu), điều này cũng cho thấy khả năng xuất khẩu của các công ty nội địa còn thấp, vì thế thị trường tiêu thụ trong nước sẽ chứng kiến sự cạnh tranh ngày một cao.
2 yếu tố thúc đẩy tăng trưởng
Nhằm phát triển một ngành công nghiệp nhựa vững mạnh, năm 2011 Chính phủ Việt Nam đã thông qua kế hoạch phát triển ngành công nghiệp nhựa Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2025 đã được sự chấp thuận của Bộ Công nghiệp và Thương mại.
Theo kế hoạch này, mục tiêu ngành nhựa Việt Nam sẽ đạt giá trị sản xuất công nghiệp 78.5 nghìn tỷ đồng vào năm 2015 và 181.57 nghìn tỷ đồng vào năm 2020.
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trong giai đoạn 2011-2020 theo kế hoạch được duyệt sẽ ở mức 17,5%/năm, ngành công nghiệp nhựa sẽ chiếm 5,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp vào năm 2020.
Kế hoạch xuất khẩu sản phẩm nhựa sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm là 15% để đạt 2,15 tỷ USD vào năm 2015 và 4,3 tỷ USD vào năm 2020.
Theo phân tích, tăng trưởng của ngành nhựa Việt Nam trong giai đoạn tới là khả quan, căn cứ vào những yếu tố sau:
Một là, dư thừa cung dầu mỏ thế giới dự báo sẽ còn tiếp diễn mặc dù nhóm các nước xuất khẩu dầu OPEC đã cắt giảm sản lượng khai thác 1.2 triệu thùng/ngày xuống còn 32.5 triệu thùng/ngày tuy nhiên vấn đề dư cung được dự báo vẫn không được giải quyết triệt để.
Lý do đến từ việc dầu đá phiến của Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng sản lượng khai thác, nhất là sau khi Donald Trump đắc cử với chiến lược gia tăng vị thế về dầu lửa của Mỹ trên trường quốc tế.
Mục tiêu của việc cắt giảm sản lượng từ OPEC là đưa giá dầu lên mức 55-60USD/thùng, tuy nhiên chỉ cần giá dầu đạt ngưỡng 50 USD/thùng, các công ty khai thác dầu đá phiến tại Mỹ sẽ hoạt động trở lại. Như vậy có thể nói, trong những năm tới, giá dầu sẽ tiếp tục ở mức trung bình như hiện tại.
Bên cạnh đó, sản lượng khai thác khí thiên nhiên tại Mỹ được dự báo vẫn gia tăng, điều này giúp giá của loại nhiên liệu này được dự báo không có nhiều biến động và tiếp tục ở mức thấp.
Hai nguyên liệu chính để sản xuất nguyên liệu nhựa là dầu mỏ và khí thiên nhiên được dự báo duy trì mức giá thấp giúp giá nguyên liệu nhựa được kỳ vọng sẽ không gia tăng đáng kể trong những năm tới.
Hai là, thị trường bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tới năm 2018 trước khi đi vào giai đoạn tăng chậm lại và bão hòa.
Với cơ cấu dân số trẻ, nhu cầu nhà ở và đặc biệt là phân khúc nhà ở bình dân hiện vẫn ở mức cao sẽ làm động lực tăng trưởng cho xây dựng dân dụng và cùng với đó là nhựa vật liệu xây dựng do vật liệu nhựa giúp tiết kiệm chi phí thi công đáng kể.
Bên cạnh đó, cơ cấu dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người gia tăng, mặt bằng lãi suất thấp khiến tỷ lệ chi tiêu gia tăng sẽ là động lực chính cho tăng trưởng tiêu dùng-bán lẻ, từ đó tác động tích cực tới tăng trưởng phân khúc nhựa bao bì, nhựa gia dụng.
Rủi ro từ biến động tỷ giá
Với định hướng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, phân khúc nhựa kỹ thuật phục vụ cho công nghiệp chế tạo, điện-điện tử cũng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt trong tương lai. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngành nhựa vẫn còn nhiều hạn chế, rủi ro.
Cụ thể, khả năng cung ứng nguyên liệu nhựa trong nước của ngành Nhựa Việt Nam khá hạn chế, chủ yếu nguyên liệu nhựa phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), tính đến năm 2016, mỗi năm ngành nhựa Việt Nam có nhu cầu khoảng 5 triệu tấn nguyên liệu, trong khi nguồn nguyên liệu nhựa sản xuất trong nước chỉ cung cấp được khoảng 900.000 tấn nguyên liệu/năm.
Hiện tại, mỗi năm ngành nhựa nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn nguyên liệu nhựa và hàng trăm loại phụ gia, khối lượng nhập khẩu ước tính có thể lên tới 1 triệu tấn mỗi năm.
Còn theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu Ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), hiện tại tổng sản lượng nhựa nguyên liệu sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu vì thế phần còn thiếu sẽ phải nhập khẩu. Thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam là Arập Xêút, Hàn Quốc, Đài Loan… các sản phẩm nhập khẩu chính là PE, PP và PVC.
Việc chủ yếu phải nhập khẩu nguyên liệu nhựa (80% nhu cầu tiêu thụ) khiến ngành nhựa Việt Nam khá nhạy cảm với biến động giá nguyên liệu nhựa trên thế giới và khu vực việc thanh toán chủ yếu bằng đồng USD khiến việc tỷ giá USD/VND biến động cũng tác động không nhỏ tới chi phí đầu vào của các công ty nhựa trong nước.
Giai đoạn 2011-2014, tỷ giá ít biến động và chỉ dao động trong biên độ hẹp. Từ đầu năm 2015, tỷ giá bắt đầu tăng mạnh trở lại sau đó duy trì ổn định cho đến quý 3 năm2016. Từ quý 3 năm 2016 tới nay, tỷ giá có dấu hiệu tăng trở lại.
Theo phân tích của các chuyên gia, việc tỷ giá tăng sẽ tác động tiêu cực tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của cả ngành. Tác động tích cực tới xuất khẩu nhựa khi tỷ giá tăng tuy nhiên không nhiều do giá trị xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam khá khiêm tốn so với giá trị nhập khẩu nguyên liệu nhựa.
Nguồn: tsgroup.vn
Tổng hợp: Phương Thảo